Trong cuộc sống, hẳn không ít bạn nhận thấy có một vài người khi nói chuyện hăng say, họ thường có hành động khá kỳ quặc là "khua chân múa tay" hay "chặt chém". Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, hành động này liệu có thực sự là vô thức hay đó là chủ ý của người nói.
Bài viết này sẽ đưa ra cho bạn lời giải vì sao chúng ta thường có thói quen "chặt chém" khi nói chuyện.
Vào đầu thập niên 70 thế kỷ XX, khi David McNeil - giáo sư tâm lý học thuộc ĐH Chicago đang thực hiện bài diễn thuyết tại Paris thì nhận ra một điều kỳ lạ. Một phụ nữ phía cuối phòng dùng tay “múa may” như đang diễn đạt những gì ông đang nói.
Phải mất một lúc McNeil mới nhận ra, người phụ nữ này là phiên dịch viên và đang cố gắng dịch những lời ông nói sang tiếng Pháp. Đối với McNeil, khoảnh khắc này đã dẫn đến một nghiên cứu để đời: Cử chỉ và lời nói không tách biệt như những gì chúng ta lầm tưởng.
Các nhà nghiên cứu cử chỉ đã dành 40 năm để giải mã mối quan hệ giữa ngôn ngữ cơ thể và lời nói. Dù cho người nói có sử dụng ngôn ngữ hoặc đến từ các nền văn hóa khác nhau, họ đều sử dụng cử chỉ khi nói.
Con người sử dụng cử chỉ khi nói ngay cả khi chưa bao giờ nhìn thấy nó - vì những người mù bẩm sinh cũng làm vậy. Và thậm chí ngôn ngữ cơ thể còn được sử dụng khi nói chuyện qua điện thoại dù biết rằng không ai đang quan sát họ. Khi cuộc nói chuyện bị gián đoạn (như nói vấp), cử chỉ cũng theo đó dừng lại.
Giới chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn cử chỉ không khớp với lời nói. Sự khác biệt này thể hiện những gì đang diễn ra trong suy nghĩ.
Susan Goldin-Meadow - một nhà tâm lý học khác của ĐH Chicago thực hiện nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ về hiện tượng này. Trong đó, những trẻ nhỏ hơn 7 tuổi chưa hiểu rằng nếu đổ nước từ một bình cao sang một bình thấp nhưng to ngang, lượng nước sẽ không đổi. Chúng nghĩ rằng bình lùn hơn chứa ít nước hơn. Nhưng khi được hỏi lí do, trẻ con trả lời “vì bình này thấp hơn”, trong khi cử chỉ lại thể hiện việc “to ngang” của bình nước.
Sự khác biệt này cho thấy, trong tiềm thức trẻ con đã cảm nhận được cả hai kích cỡ đều quan trọng. Giáo viên có thể dựa vào điều này để biết được rằng, học sinh đã sẵn sàng để tìm hiểu mối quan hệ giữa chiều cao, chiều rộng và khối lượng vật.
Khi nói, chúng ta đưa suy nghĩ vào lời nói và cử động. Nhưng cử chỉ không thể hiện những gì ta nghĩ mà trên thực tế lại “giúp đỡ” chúng ta suy nghĩ. Những trẻ mới biết đi được khuyến khích vận động có xu hướng nói nhiều từ hơn.
Người lớn giải quyết vấn đề tốt hơn nếu họ được sử dụng ngôn ngữ cử chỉ. Bằng cách nào đó, việc đưa ý tưởng vào cử chỉ có thể giúp chúng ta suy nghĩ thông suốt hơn.